Tái bản ‘Việt Nam – lãnh thổ và các vùng địa lý’
“Việt Nam – Lãnh thổ và các vùng địa lý” của giáo sư Lê Bá Thảo là một trong ba công trình giúp ông được giải thưởng Hồ Chí Minh.
Sách dày 456 trang, do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành tháng 8, được xem là một trong những cuốn sách kinh điển về địa lý Việt Nam.
Ấn bản 20 chương, từ giới thiệu bao quát cảnh quan đến đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam, gồm: Nhận dạng Việt Nam, Không gian Việt Nam và tính đa dạng của các yếu tố nền móng, Biển đông một cánh cửa ra Thái Bình Dương, Tính đa dạng của cảnh quan, Cư dân Việt Nam, Một nền kinh tế đang chuyển động, Ưu tiên các cơ sở hạ tầng, Xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp phồn vinh, Tổ chức lãnh thổ theo vùng, Hà Nội và vùng bao quanh, Đồng bằng châu thổ sông Hồng và tam giác trọng điểm phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, Hai vùng còn do dự trong nội địa, Dằng dặc khúc ruột miền Trung, Các vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Vùng Tây Nguyên: Những không gian được khai lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trên đường phát triển;,Vùng Đông Nam Bộ và địa bàn trọng điểm phía Nam, một vùng đang được khai lợi hiệu quả, Vùng đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long, Các đảo và quần đảo.
Chương cuối: “Một tổ chức lãnh thổ mới cho những thập kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ ba” đúc kết những tiềm năng của đất nước, nhận định thử thách mới trong việc phát triển quốc gia.

Bìa sách “Việt Nam – Lãnh thổ và các vùng địa lý” của giáo sư Lê Bá Thảo, tái bản tháng 8 năm nay. Ảnh: Tân Cao
Tác phẩm như thước phim tua chậm về Việt Nam với những đặc điểm nổi bật: Đất nước nhìn trên bản đồ giống như hình chữ S rộng trên 330.900 km vuông, nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, tựa lưng vững chắc vào lục địa châu Á mênh mông về phía Tây Bắc và nhìn ra Thái Bình Dương với chiều dài bờ biển trên 3.000 km về phía Đông Nam.
Việt Nam ở về phía bắc bán cầu, nằm trọn vẹn trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, có nhiều tiềm năng thiên nhiên, nhưng cũng luôn luôn phải “đón nhận” những tai họa của thiên nhiên – bão tố, lụt lội – với cường độ vào loại nhất nhì thế giới. Một đất nước không rộng lớn, nhưng có tới 54 dân tộc, với 54 nền văn hóa độc đáo, tạo nên một nền văn hóa phong phú và đa dạng.
Giáo sư viết trong sách: “Phải hiểu cho đúng, cho kỹ các vùng lãnh thổ đặc thù với những quy luật tự nhiên của nó, đừng quên rằng, cưỡng lại quy luật của thiên nhiên thì phải gánh chịu sự trả thù của thiên nhiên”.

Giaó sư Lê Bá Thảo (thứ hai từ trái qua) tại Đại hội thành lập Hội Địa lý Việt Nam (1988). Ảnh gia đình cung cấp
Đại diện nhà xuất bản cho rằng tác phẩm lẫn sự nghiệp nghiên cứu địa lý của giáo sư Lê Bá Thảo tạo bước đột phá trong việc phát triển và biến đổi phương hướng nghiên cứu địa lý học Việt Nam, từ việc mô tả thiên nhiên đến môn khoa học hướng dẫn hành động và được ứng dụng trong thực tiễn.
Giáo sư Manuelle Franck – Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông quốc gia Pháp, viết tắt INALCO – từng nhận định: “Đây là cuốn sách vượt hẳn lên mọi cuốn sách địa lý Việt Nam được xuất bản đến nay”.
Giáo sư Lê Bá Thảo (1923-2000), sinh tại Huế trong một gia đình công chức. Ông thông thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, tiếng Latin và Hy Lạp cổ. Sinh thời, ông giữ vai trò Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Bộ môn Địa lý thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2010, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên với cụm công trình Thiên nhiên, lãnh thổ và các vùng địa lý Việt Nam.
Tuấn Anh