Nhiều thi sĩ gây xúc động ở đêm thơ Hoàng Thành

Hà NộiNhà thơ Hữu Thỉnh, Bằng Việt tái hiện chặng đường thi ca đồng hành cuộc sống, trên sân khấu Hoàng Thành Thăng Long, tối 5/2.

Giới văn chương, khán giả có mặt trước cửa Đoan Môn để thưởng thức đêm thơ trong tiết trời mưa phùn, gió lạnh ngày rằm tháng Giêng. Sân khấu chính mang tên Đàn thơ, có điểm nhấn là hai tấm pano lớn được thả từ trên xuống, chép bài Nam quốc sơn hà (khuyết danh, một số nguồn cho là của Lý Thường Kiệt) và Nguyên tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh), tạo khung cảnh ấm áp.

Chương trình đưa khán giả trở về từng giai đoạn của thơ ca Việt Nam hiện đại qua giọng đọc của các tác giả, nghệ sĩ, từ phong trào Thơ mới đầu thập niên 1930, đến thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ Đổi mới và thơ trẻ hôm nay.

Mở màn, nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh ngâm tác phẩm Giá từng thước đất (Chính Hữu). Những vần thơ “Bạn ta đó/ Ngã trên dây thép ba tầng/ Một bàn tay chưa rời báng súng/ Chân lưng chừng nửa bước xung phong” qua chất giọng truyền cảm của nghệ sĩ kết hợp hình ảnh minh họa trên màn hình lớn gợi cảm xúc. Phong trào Thơ mới được khắc họa qua các tác phẩm Biển (Xuân Diệu), Thu nhà em (Lê Đạt), Mưa Thuận Thành (Hoàng Cầm).

Thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ được gợi nhớ qua tiết mục của tác giả Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến… Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết mỗi khi nghĩ về năm tháng đã qua, trong đầu ông hiện lên hình ảnh của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Khi ấy, ông được góp mặt trong những trung đoàn xe tăng đầu tiên của Việt Nam. Từ tư liệu thực tế, ông viết bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Trong đêm thơ, ông thể hiện bài Gửi từ đảo nhỏ, phù hợp không khí đầu xuân.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc thơ

Phần đọc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Video: Hiểu Nhân

Nhà thơ Bằng Việt trải lòng về hai tác phẩm cùng tên Về Hương Sơn, năm sơ tán ấy do ông sáng tác. Bài đầu khắc họa đời sống ở nơi sơ tán, bài thứ hai dành riêng cho mẹ ông – người cũng đi sơ tán ở vùng Mỹ Đức, Hà Tây. Bây giờ, mẹ đã mất, nhà thơ đọc tác phẩm để tưởng niệm.

Dưới trời mưa phùn, nhà thơ cầm giấy, giọng run run, cẩn thận đọc từng câu từ. Đôi chỗ, ông ngừng lại vì không nhìn rõ chữ. “Tuổi 80 rồi, đọc thơ rất khó khăn, giọng ngọng đi mà vẫn được mời tham dự, tôi rất xúc động”, ông nói.

Bài Về khổ đau và đại bác được Nguyễn Việt Chiến đọc với chất giọng khỏe khoắn, hào hùng kết hợp hiệu ứng khói lửa trên sân khấu, gợi cảm xúc.

Nhà thơ Bằng Việt đọc thơ

Nhà thơ Bằng Việt đọc thơ. Video: Hiểu Nhân

Thời kỳ Đổi mới và thơ trẻ được lột tả qua phần trình bày của Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Lữ Mai… Trần Đăng Khoa ngược dòng về những năm 1990 qua tác phẩm Matxcơva – Mùa đông năm chín mươi. Ông cho biết ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ của tình yêu thương. “Nếu ai trên đời cũng giống như nhà văn, nhà thơ và bạn đọc ở đây cũng nói với nhau bằng ngôn ngữ thơ ca, thì chắc chắn sẽ không có máu chảy, chiến tranh hay những kiếp người bị đọa đày”.

Nhà thơ Anh Ngọc mang đến tác phẩm Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi – tương ứng năm Quý Mão, gửi gắm thông điệp khi con người yêu thương mọi biểu hiện cuộc sống: từ một con vật, cái cây, bông hoa… sẽ nhận được hạnh phúc ngọt ngào.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết từ khi khởi nguồn tới nay, thơ ca luôn song hành cùng vận mệnh đất nước. Ngày nay, các nhà thơ cần tích cực xâm nhập vào đời sống, nghe, nhìn và cảm nhận được những vấn đề xảy ra để đưa vào thơ ca.

“Vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác. Khi động cơ sáng tác là tinh thần yêu thương, xây dựng thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào tác phẩm ấy bởi họ cảm nhận được ánh sáng thiện tâm tỏa ra từ trái tim của tác giả.

Thơ ca không dẫn đường cho con người ta bằng ánh sáng của điện năng mà bằng nhịp đập của con tim. Những tác phẩm lớn luôn hàm chứa tinh thần lạc quan, hướng thiện, nó bày tỏ lòng trân quý con người bằng lời kêu gọi rũ bỏ hận thù để hướng tới một tương lai hòa hợp, nhuần nhị. Đấy chính là cốt lõi đạo đức của thời đại văn minh, đạo đức ấy được ủy quyền, theo cách trang nghiêm nhất, sủng ái nhất, cho mỗi nhà thơ”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Nhà thơ Anh Ngọc đọc thơ

Tác giả Anh Ngọc đọc thơ. Video: Hiểu Nhân

Lần đầu được tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long thay vì Văn Miếu như mọi năm, sự kiện có nhiều đổi mới. Các hoạt động được phân bổ suốt ngày rằm (tức 5/2) chứ không chỉ tập trung trong buổi sáng. Lễ khai mạc Đường Sách diễn ra lúc 8h-8h30, tọa đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay (9h-11h), Đêm thơ Nguyên Tiêu (19h-21h).

Từng tham gia nhiều Ngày thơ, tác giả Anh Ngọc nói: “Ban đầu, tôi vẫn lưu luyến với sự kiện làm buổi sáng ở Văn Miếu nhưng càng ngồi ở đây, tôi càng cảm thấy lần tổ chức ở Hoàng Thành thực sự rất thú vị. Đọc thơ ở đây, tôi cảm giác tiền nhân của chúng ta đang lắng nghe”.

Khán giả Lệ Giang (61 tuổi, Hai Bà Trưng) nhận xét: “Tôi ấn tượng với giọng đọc của những tên tuổi lớn của nền thơ ca. Khoảnh khắc thấy nhà thơ Bằng Việt run run cầm giấy đọc thơ trên sân khấu, tôi không kiềm được nước mắt. Chương trình này hấp dẫn những người yêu thơ”.

Trần Đăng Khoa đọc thơ

Phần đọc của Trần Đăng Khoa. Video: Hiểu Nhân

Hiểu Nhân

Nguồn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *