Khóc cười thưởng Tết – VnExpress Đời sống

Thấy anh Hùng xách về cái máy xay sinh tố khoe “quà Tết công ty, tha hồ làm nước uống”, chị Hòa nhăn mặt “tiền đâu mua hoa quả thì không nói”.

Anh Quốc Hùng, 37 tuổi, là nhân viên một công ty điện máy lớn ở Hà Nội. Những Tết trước, công ty thưởng một tháng lương kèm hộp quà Tết. Nhưng năm nay, doanh thu kém, công ty động viên nhân viên nhận quà Tết bằng hiện vật như ấm đun nước, máy xay sinh tố, quạt sưởi….

Nhà có con nhỏ, anh Hùng nghĩ máy xay sinh tố hữu dụng nhất nên chọn. “Công ty bảo sang năm làm ăn tốt hơn sẽ bù vào doanh thu quý. Giờ chủ khó khăn, nhân viên cũng cần chia sẻ”, anh nói.

Nhưng sắp Tết, chị Thu Hòa (vợ anh) thấy tiền cấp thiết hơn. Chồng vừa mang về, chị đã rao bán trên mạng xã hội. Giá gốc 700.000 đồng, chị thanh lý 500.000 đồng. “Thế cũng được bộ quần áo mới cho con”, chị nói.

Thưởng Tết khiến chị Ngọc Minh (33 tuổi, ở Thanh Hóa) không biết nên khóc hay cười. Công ty may chị đang làm việc năm nay không có thưởng. Quà tặng nhân viên cuối năm là một lốc nước ngọt và một gói bánh, trị giá khoảng 150.000 đồng. “Nhiều người muốn đổi sang tiền mặt mà không được. Có lẽ thưởng Tết 150 nghìn đồng nên sếp cũng ngại với người làm”, chị tự giải thích. Chị Minh “bán lại” lốc nước ngọt cho chồng lấy 40.000 đồng còn bánh cho con ăn luôn.

Thu nhập năm 2022 của chị Minh lên xuống theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. “Hàng ít, công nhân cắt giảm 1/3, người ở lại lương cũng giảm. Trước lương tôi 6 triệu, nhưng ba tháng nay còn hơn bốn triệu”, chị kể.

Để xoay xở, chị Minh nhờ người quen kết nối với một trung tâm tiếng Anh xin làm telesales, thu nhập theo hiệu quả công việc. Có tháng, chị được 1-3 triệu đồng. Riêng tháng cuối năm, nhu cầu của người học ít, chị chỉ chốt được vài khách, lương nhận được là 350.000 đồng.

”Hôm qua, tiền chuyển vào tài khoản tôi hai lần, một lần 350.000, một lần 500.000 đồng. Quản lý nhắn khoản đầu là lương, khoản sau là thưởng Tết. Thưởng công ty làm thêm to hơn làm chính”, chị cười như mếu.

Với những doanh nghiệp gặp khó khăn, để có thưởng Tết cho nhân viên, dù rất nhỏ như của chị Ngọc Minh cũng là một nỗ lực lớn. Thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến tháng 11, cả nước có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.

Lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá mạnh. Cụ thể, TP HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7%, Tiền Giang tăng 66,5%. Tại Hà Nội, 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa năm nay, ảnh hưởng tình hình thế giới, các ngành sản xuất như gỗ, dệt may bị hụt đơn hàng nên thưởng Tết có xu hướng giảm. Các tỉnh phía Nam đông công nhân như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM ghi nhận mức thưởng giảm ở hầu hết loại hình doanh nghiệp.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từng khẳng định, trên thực tế không có khoản thưởng Tết. “Đây là khoản thưởng sau một năm kinh doanh. Nó không phải tiền thưởng được sinh ra vì Tết. Người lao động nhận được gần Tết Nguyên Đán và dùng nó chi tiêu cho năm mới nên gọi theo thói quen”, ông Huân phân tích.

Cũng theo Luật Lao động, người sử dụng lao động không bắt buộc phải trả tiền thưởng cho nhân viên, kể cả khi có lãi, cũng có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật.

Chuyện thưởng Tết bằng hiện vật cũng gây không ít chuyện dở khóc, dở cười. Công ty chị Hồng Ngọc trong một khu chế xuất ở TP HCM là một ví dụ. Năm nay, ngoài lương, nhân viên như Ngọc được nhận một thùng nước ngọt, một thùng bia, hai chai dầu ăn và 5 kg gạo. “Bia thì không uống, quê ở xa nên chẳng mang được nước ngọt về. Hai chai dầu ăn chắc dùng cả năm mới dùng hết”, Ngọc kể.

Cô gái 25 tuổi sau khi nhận thưởng nhập vào đoàn công nhân, khuân quà Tết đến một điểm ở xưởng để bán lại. Năm nào công ty cô cũng có người đứng ra thu mua lại, giá thùng bia, nước ngọt thường thấp hơn thị trường khoảng 40 nghìn đồng. Vài người chịu khó hơn, chở ra tạp hóa bán lại với giá cao hơn khoảng 10-20 nghìn đồng. Một vài công nhân nam đổi cho nữ nước ngọt lấy bia, đèo về quê.

“Một số công ty ở khu chế xuất đã chuyển quà thành voucher mua sắm hoặc quy quà ra tiền, chuyển vào tài khoản công nhân, không biết sao công ty tôi đến nay vẫn giữ hình thức này”, Ngọc kể.





Công nhân ở một nhà máy nhận thưởng Tết là dầu ăn, đường, hạt nêm... Ảnh: Phạm Thiều

Công nhân ở một nhà máy nhận thưởng Tết là dầu ăn, đường, hạt nêm… Ảnh: Phạm Thiều

Chị Thu Hoa (31 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông) năm nay cũng được thưởng “vượt mong đợi”. Ngoài tiền thưởng hàng năm, mỗi nhân viên công ty còn được 50 kg gạo và hai thùng nước ngọt.

”Trong năm, thỉnh thoảng công ty vẫn tặng gạo cho các gia đình, trong khi nhà tôi thì tháng ăn không qua 5 kg gạo”, chị Hoa kể. Nhận phần thưởng Tết, chị Hoa loay hoay không biết làm cách nào để đưa về nhà. Đồng nghiệp ai cũng có phần nên không ai có ý định lấy thêm.

”May nhờ bảo vệ bê lên, xếp giúp, tôi chở được một lúc 50 kg. Còn hai thùng nước thì để hôm sau đưa về tiếp”, chị kể. Điều khiến chị Hoa đau đầu là phân bổ số gạo trên sao cho hết.

Chị Hoa nhờ chồng bê sang tặng hàng xóm ba bao, thuê shipper chở sang nhà em trai 5 bao, tặng cho họ hàng vài bao, còn lại gửi xe khách mang về quê. ”Chỉ vì món thưởng Tết này mà bữa giờ chồng tôi cứ than đau lưng”, chị cười nói.

Bên cạnh những hình thức thưởng cười ra nước mắt, vẫn có những người ”trọn vẹn niềm vui” khi đón nhận thưởng Tết cuối năm.

Anh Trần Thành Công, 34 tuổi, ở Nam Từ Liêm lần đầu được ra nước ngoài xem trận bán kết giữa đội tuyển Indonesia gặp Việt Nam, hôm 6/1. Anh là một trong 10 nhân viên xuất sắc nhất của công ty được thưởng Tết bằng vé máy bay, vé vào sân xem trận đấu quan trọng này của tuyển Việt Nam, bên cạnh khoản tiền thưởng hậu hĩnh.

Anh Minh Đức, nhân viên ngành kỹ thuật của doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội cho biết, anh được nhận hơn 100 triệu đồng lương hiệu quả kinh doanh, bên cạnh tiền lương tháng thứ 13. ”Phòng tôi hơn 20 người, hầu hết đều có mức thưởng như vậy hoặc cao hơn. Hôm họp, cả phòng như bùng nổ”, anh Đức nói.

Số tiền được thưởng giúp vợ chồng anh giải quyết được khoản nợ đầu tư và có một cái Tết no đủ cho bố mẹ hai bên, vẫn đang mong con về.

* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.

Phạm Nga

Nguồn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *