“Đi trong mùa Hè” – Rực lửa nhưng chưa tròn đầy
Sau thành công của Mang Tiền Về Cho Mẹ, Đen Vâu mới đây đã quay trở lại với Đi trong mùa Hè, một bài ca sôi động đậm chất cổ vũ. Qua dự án này, Đen Vâu ngày càng chứng minh mình đúng với nhận định trước đó của Suboi, khi nói anh là “Drake Việt Nam” bởi đề tài hay thể loại nào cũng đều viết được.
TINH THẦN RỰC LỬA
Ngược với Mang tiền về cho mẹ, có thể thấy Đi trong mùa hè là một bài ca hướng đến cộng đồng, mang đến tinh thần tích cực cũng như đề cao năng lượng thể thao. Trong bối cảnh SEA Games 31 cũng như mùa Hè đầu tiên của thời bình thường mới đang cùng diễn ra, tham vọng biến Đi trong mùa Hè thành một “summer hit” là hoàn toàn có thể. Bài hát chứa nhiều điểm cộng ở dàn khách mời, MV ca nhạc cũng như thông điệp ý nghĩa.
Đi trong mùa Hè là một bài ca hướng đến cộng đồng, mang đến tinh thần tích cực cũng như đề cao năng lượng thể thao. (Ảnh chụp màn hình MV Đi trong mùa Hè)
Trong mỗi dự án âm nhạc của mình, Đen đều có sự lựa chọn hợp tác vô cùng phù hợp. Nếu Trốn tìm mang chất unplugged thích hợp với MTV, Mang tiền về cho mẹ nhiều tự sự, đòi hỏi giọng ca có phần từng trải như Nguyên Thảo; thì Đi trong mùa Hè đầy tích cực, năng động lại không có ai phù hợp hơn nhạc sĩ Trần Tiến.
Trong một chương trình chia sẻ với Phan Mạnh Quỳnh mới đây, ông cũng thừa nhận bản thân “là một con hổ, là một tảng đá”, và phải hát thật mạnh mẽ thì mới là mình. Do đó, sự góp mặt của nhạc sĩ Trần Tiến không chỉ mang lại dấu ấn ở mặt âm thanh, mà đó còn là một người nghệ sĩ hết mình vì niềm đam mê, với sức trẻ và tinh thần nhiệt huyết.
Nhạc sĩ Trần Tiến cũng là hình tượng đại diện vô cùng phù hợp, góp phần khắc họa nhiều tầng lớp, nhiều thành phần và nhiều lứa tuổi đam mê bóng đá. Trong MV này, sự dân dã, chân chất lại một lần nữa tạo ra cảm xúc từ những cô lao công, những chú hớt tóc, bữa ăn bên gia đình… hoặc cả người nước ngoài hay những cặp đôi yêu nhau. Ở bất cứ khung hình nào, người xem cũng có thể thấy được chính bản thân mình hay những người xung quanh, trong những khoảnh khắc ăn mừng và hân hoan trong niềm vui chiến thắng.
Đen Vâu kết hợp với nhạc sĩ Trần Tiến trong MV Đi trong mùa Hè. (Ảnh: Instagram/den.vau)
Tuy không đậm nét tự sự đánh vào cảm xúc như Mang tiền về cho mẹ, nhưng bằng những hình tượng chung, Đen đã khắc họa được lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cũng như tinh thần thể thao trong một MV vô cùng rực lửa, từ đó khơi dậy được sự đồng lòng cũng như đồng cảm và nhiều thấu hiểu. Xét về mặt này, Đen Vâu và ê-kíp của mình đã làm rất tốt. Thế nhưng, vẫn còn những hạn chế vô cùng đáng tiếc khiến dự án này khó có thể đạt được thành công một cách trọn vẹn như các tác phẩm trước đó.
CÒN NHIỀU “HẠT SẠN”
Tuy thành công trong việc khơi gợi tinh thần một cách tích cực nhưng về mặt âm nhạc, dự án này vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tuy được sản xuất bởi nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng thế giới Michael Choi, thế nhưng, toàn bộ bài hát lại không có khoảnh khắc nào thật sự nổi bật. Nếu Mang tiền về cho mẹ có đoạn drop sau đó là khúc ru cùng tiếng sóng biển để lại rất nhiều ấn tượng, thì với một bài ca hướng đến cộng đồng như Đi trong mùa Hè, sự thiếu vắng dụng ý nghệ thuật có phần dễ hiểu và khó có thể đòi hỏi gì thêm.
MV Mang tiền về cho mẹ (Ảnh chụp màn hình)
Dẫu biết Đen Vâu là một trong những rapper truyền tải nội dung vô cùng xuất sắc, thế nhưng, điều đó lại không được giữ trọn vẹn trong dự án này. Những cặp từ như “thở bằng mồm”, “sồn sồn” không mang đến mỹ cảm, trong khi đoạn đầu, Đen làm rất tốt với các câu rap như “Mắt sáng như làm từ cát nung lên/ Những chiến binh không giáo mác cung tên”, hay “Nắm bắt kịp thời không nên chậm không nên vội/ Đừng bao giờ quên bên cạnh mình là đồng đội/ Cùng lùi cùng tiến, đây là cuộc chiến”. Việc không giữ được chất lượng đồng đều là thiếu sót lớn, khiến cho vẻ đẹp phần đầu dần bị mất đi, bởi phần sau là khó chấp nhận, trong một bài hát mà Đen Vâu đã cố biến nó trở nên “sạch sẽ”, còn bản thân thân mình là một rapper văn minh.
Sự vụ tranh cãi trong lời bài hát của Mang tiền về cho mẹ lần trước dường như vẫn không được Đen Vâu chú ý khắc phục, mà ở Đi trong mùa Hè, những lỗi nặng hơn vẫn còn tồn tại, ví dụ phần giả tiếng địa phương ở ngay verse 2. Vấn đề vùng – miền từ trước đến nay vẫn luôn nhạy cảm, và thiết nghĩ, việc mang yếu tố này vào là không cần thiết. Mặt khác, nếu muốn tôn vinh không gian ba miền, tại sao các ngữ âm của vùng miền khác lại không xuất hiện? Vì vậy thật khó để hiểu được dụng ý này của Đen.
Ngoài ra, tính chất bạo lực trong câu chữ cũng cần được chú ý hơn trong một sản phẩm đại chúng. Như trong verse 3: “Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư/ Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ 1 phần triệu biến anh thành người vũ phu” hay “Em mà chuyển kênh, anh sẽ từ một cậu bé, hóa thân thành lực lượng vũ trang” là những câu rap không hề đẹp đẽ. Chính sự áp đặt tính nam độc hại “khi anh nói – mong em”, sử dụng ngôn ngữ bạo lực “vũ phu”, “lực lượng vũ trang”, dẫu cho chỉ mang hàm ý đặc tả sự sôi sục nhiệt huyết, hay ngay cả phần “chữa cháy” khi chêm vào câu “anh đùa đấy”, nhưng rõ ràng rằng lời rap có thể hoàn toàn thay bằng những lời lẽ khác, nhẹ nhàng hơn, bình đẳng hơn và tôn trọng hơn.
Với việc lựa chọn từ ngữ không mang vẻ đẹp, gợi thêm sự bất bình đẳng cũng như âm nhạc thiếu sức hút, Đi trong mùa Hè có thể nói là một bài ca đậm đặc nhiệt huyết, vô cùng sôi động, nhưng đứng dưới góc nhìn mỹ cảm thì dự án này còn nhiều thiếu sót vô cùng đáng tiếc.
Đen Vâu là một trong những rapper có thể truyền tải nội dung một cách sâu sắc. (Ảnh chụp màn hình MV Đi trong mùa Hè)
Rap của Đen nhiều phần không theo vần điệu, đáng lẽ có thể tránh được sự thiếu nhạy cảm nói trên, thế nhưng, lần này Đen đã xử lý chưa được tốt, khiến đây là một “bước lùi” đáng kể của nam rapper. Vẫn biết ngôn ngữ nhạc Rap có phần phóng khoáng, tự do, nhưng nếu muốn xây dựng hình tượng văn minh cũng như bài hát có phần sạch sẽ thì Đen Vâu cần quán triệt hơn và theo đuổi nó một cách hoàn toàn. Khó có thể biện minh ngôn từ Rap cần phải thế này thế kia, khi mà con đường anh chọn lựa là một hướng khác.
Xen lẫn quảng cáo quá nhiều trong music video đôi khi cũng khiến người xem có phần khó chịu. Nếu Mang tiền về cho mẹ xử lý một cách tinh tế được những phân cảnh xe máy vượt vùng đất xấu để dạy học trò vùng cao thì Đi trong mùa Hè, với những màn “đi bão”, lại đang đặt ra một sự phân vân ở phía người nghe – người xem về tác hại ẩn sau lớp vỏ của sự thể hiện nhiệt huyết.
Trong cuốn hồi ký Ngẫu hứng của mình, nhạc sĩ Trần Tiến khi được hỏi về thế hệ trẻ với những bài ca vô hồn, không có cảm xúc, đã nói rằng: “Hãy tin tưởng ở tuổi trẻ. Cái gì đến sẽ đến. Cái gì mất sẽ mất. Thời gian mới là sự thử thách của nghệ thuật đích thực”. Hy vọng sau những Trốn tìm, Mang tiền về cho mẹ… đã mang đến được những cảm xúc đẹp, Đen Vâu sẽ nghiêm túc hơn và tiếp thu hơn trong các sản phẩm tiếp theo, để hoàn thiện một bản lĩnh nghệ sĩ chân chính, đích thực và đi lên bằng tài năng thực thụ.