Chất làm ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Chất làm ngọt nhân tạo chứa ít năng lượng, ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột và quá trình trao đổi chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tổng lượng chất ngọt cơ thể tiêu thụ và nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, bao gồm cả đột quỵ, có mối liên hệ với nhau, theo một nghiên cứu do Viện nghiên cứu y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp, công bố trên tạp chí BMJ năm 2022.
Nghiên cứu bắt đầu từ năm 2009, thực hiện trên hơn 100.000 người. Họ là những người trên 18 tuổi, độ tuổi trung bình là 42, trong đó 79,8% là nữ. Tất cả những người tham gia nghiên cứu được điền vào bảng câu hỏi liên quan đến chế độ ăn uống, sức khỏe, nhân trắc học, lối sống, dữ liệu xã hội và hoạt động thể chất.
Trong hơn 10 năm, các nhà khoa học cập nhật liên tục thông tin về thực phẩm, đồ uống mà mỗi người tiêu thụ hàng ngày. Ngoài ra, những người tham gia cũng báo cáo về mức độ tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo, gồm loại và số lượng.

Các chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ảnh: Freepik
Hai năm đầu tiên của nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có 37% người tham gia sử dụng chất làm ngọt nhân tạo, với mức tiêu thụ cao nhất trung bình khoảng 78 mg mỗi ngày. Trong khi những người có lượng tiêu thụ thấp nhất trung bình khoảng 7,5 mg mỗi ngày. Trong thời gian nghiên cứu, những người tham gia đã trải qua tổng cộng 1.502 biến cố tim mạch, bao gồm đau tim, đột quỵ, tổn thương tim, tắc nghẽn mạch máu, tắc nghẽn tĩnh mạch.
Vào cuối nghiên cứu, các nhà khoa học so sánh số lượng biến cố tim mạch giữa người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo và người không tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
Nghiên cứu kết luận, chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng đến việc quản lý trọng lượng cơ thể. Chất này thay thế đường có vị ngọt nhưng lại ít năng lượng. Các chất như aspartam, sucralose và stevia có trong chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất, tác động xấu đến vi khuẩn đường ruột, kích thích sự thèm ăn.
Việc hấp thụ aspartame có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến cố mạch máu não, acesulfame kali và sucralose có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, các nhà nghiên cứu cho biết. Chất làm ngọt nhân tạo được tìm thấy nhiều trong các chất phụ gia thực phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều chất béo. Các chuyên gia khuyên mọi người nên hạn chế những thực phẩm này.
Anh Chi (Theo Medical News Today)