Bệnh viện quá tải điều trị sốt xuất huyết
Hà NộiSố lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều bệnh viện kín giường điều trị.
Ngày 11/11, trong buồng bệnh khoảng 50 m2, bà Hồng (50 tuổi) nằm điều trị với dây truyền nước trên tay. Bà cho biết nhập viện từ chủ nhật tuần trước vì cảm thấy lịm đi, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao, khó chịu trong người. Nghĩ chỉ mệt mỏi thông thường do làm việc nhà quá sức, bà không đo nhiệt độ cơ thể, chỉ đi ngủ và uống thêm nước cam để bồi bổ. Thấy triệu chứng không đỡ, người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn để điều trị, chẩn đoán sốt xuất huyết.
Nhớ lại buổi nhập viện, bà Hồng cho biết phải chờ khoảng 3-4 tiếng trước khi được vào khoa điều trị. Nhân viên y tế giải thích một phòng to điều trị có khoảng 10 giường, bệnh nhân không phải nằm ghép, cứ hai giường lại có một tấm vách ngăn cách ly. Tuy nhiên, các giường điều trị đã kín, bao gồm giường dịch vụ, lượng bệnh nhân đông, khoa cần sắp xếp giường và buồng nằm. Trong lúc chờ đợi, bà nghỉ ở khoa Cấp cứu, cứ ngủ ngắn chừng 15 phút lại tỉnh vì quá đau đầu.
Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn là một trong số bệnh viện của Hà Nội tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân sốt xuất huyết thời gian gần đây. Toàn viện điều trị khoảng 250 bệnh nhân sốt xuất huyết, riêng khoa Bệnh nghề nghiệp có 100 bệnh nhân nội trú.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, khoa Bệnh nghề nghiệp, cho biết số bệnh nhân tăng đột biến từ đầu tháng 10. Bệnh nhân đông ở tất cả khoa điều trị, các giường đều kín, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 người bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, khoảng 30-40% trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nặng như suy thận, nhiều người đến trong tình trạng rất nặng, có những trường hợp tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao ngay trong ngày đầu tiên bị sốt.
“Thông thường, bệnh nhân có dấu hiệu nặng cảnh báo thì phải cho nhập viện. Tuy nhiên, bệnh nhân đông, chúng tôi phải cho họ về hơi non, hẹn hôm sau, để chuẩn bị giường điều trị”, bác sĩ Hường nói.

Bác sĩ Hường khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa hoa Thanh Nhàn. Ảnh: Hồng Hạnh
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cũng đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Một phòng bệnh chỉ khoảng 15 m2 nhưng kê đến 6 giường, mỗi giường hai người, bệnh nhân phải nằm ghép. Các phòng vốn để điều trị cho bệnh nhân viêm gan cũng phải trưng dụng hoặc nằm ghép với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Chị Hằng, 27 tuổi, sốt xuất huyết, bị chảy máu chân răng vào ngày sốt cao thứ 3 nên được cho nhập viện, hiện điều trị đến ngày thứ 4. Song, tình cảnh quá tải khiến chị cảm thấy mệt hơn. “Tôi chỉ mong nhanh được xuất viện chứ không thể chịu nổi cảnh nằm ghép như này nữa”, người phụ nữ nói.
Lý giải về tình trạng quá tải, bác sĩ Cường cho biết Trung tâm tọa lạc ở tòa nhà cũ kỹ, xuống cấp, thiếu thốn vật tư, máy móc. Một số xét nghiệm thông thường để chẩn đoán ký sinh trùng cũng phải gửi bên ngoài thực hiện.
Trong bối cảnh ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh do Hà Nội bước vào mùa dịch, việc thiếu thốn này khiến bệnh nhân chịu thiệt. Họ phải chờ kết quả chẩn đoán từ nửa ngày đến một ngày, trong khi có thiết bị thì thời gian chờ đợi chỉ 1-2 giờ. Người bệnh nằm ghép cảm thấy mệt mỏi, bức xúc, khó chịu.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến đầu về điều trị truyền nhiễm, khoảng 90-100 ca nằm viện cùng một lúc, tiếp nhận 10-20 bệnh nhân mới một ngày. Có những ngày, hơn một nửa số điều trị ở khoa Cấp cứu là bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết số bệnh nhân nặng tăng nhanh. “Những bệnh nhân được nhập viện sớm thì tiến triển ổn, ít sốc. Tuy nhiên nhiều ca đến muộn, điều trị rất khó khăn”, bác sĩ Phúc nói, cho biết thêm hôm 11/11 một bệnh nhân 31 tuổi tử vong do nhập viện quá muộn.

Bệnh nhân số xuất huyết nằm ghép hai người một giường, đảo đầu nằm, tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thành
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong tuần từ 28/10-3/11 với hơn 1.300 ca mắc mới, thêm 58 ổ dịch tại nhiều quận như Hoàng Mai, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì… Tính từ đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 10.700 ca sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ 2021; ổ dịch thôn Bùng (Thạch Thất) ghi nhận 200 ca bệnh. Hiện, Hà Nội bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, CDC dự báo số mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch rơi vào tháng 11.
Trước số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, đại diện các bệnh viện cho biết việc sắp xếp giường bệnh là bài toán khó. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn đảm bảo giường, có thể kê thêm trong phòng bệnh hoặc chỉ định nằm ghép để bệnh nhân được chăm sóc tại viện.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện chống dịch sốt xuất huyết tương tự Covid-19. Thành phố đã tập huấn cho nhân viên y tế các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật kiến thức về sốt xuất huyết, phân luồng, phân tuyến, chuyển tuyến an toàn… Người dân được truyền thông về bệnh để phát hiện sớm triệu chứng, đến bệnh viện gần nhất khám, tư vấn khi có biểu hiện nghi ngờ.
Ngày 11/11, Sở Y tế yêu cầu bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho người bệnh, hạn chế ca tử vong và đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, nhân lực điều trị. Người bệnh nội trú và người mắc sốt xuất huyết nói chung cần theo dõi sát để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo nặng, kịp thời chuyển tuyến. Nếu có ca tử vong, bệnh viện báo cáo Sở Y tế và kiểm tra, rút kinh nghiệm kịp thời.
Bệnh viện Đống Đa tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế. Sở Y tế duy trì nhóm chỉ đạo tuyến, điều trị, để hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn.
Giải pháp quan trọng nhất là tổng vệ sinh môi trường, theo đại diện Sở Y tế. Lý do là nhiều xã phường đang trong quá trình đô thị hóa với dân cư đông đúc, công trình xây dựng, phế liệu, phế thải không được dọn dẹp, tạo điều kiện cho sốt xuất huyết tăng mạnh.
Do đó, CDC tăng giám sát, thống kê ca bệnh, chống dịch và hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương để dập ổ dịch. Trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hàng tuần, kiểm tra khu vực nguy cơ; giám sát các bể dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.
Bác sĩ Cường khuyến cáo mọi người nên đến cơ sở y tế chuyên khoa truyền nhiễm để được khám, xét nghiệm. Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
Hiện nay một số bệnh dịch khác như Covid-19, cúm, thủy đậu… đồng thời xuất hiện, dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết, có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến được khuyến cáo cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.
Bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu, sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Lúc này, người bệnh cần nhập viện để được điều trị.
Nếu được theo dõi tại nhà, bác sĩ Hường lưu ý người bệnh không dùng sai chỉ định của thuốc hạ sốt paracetamol. Nhiều người bị sốt cao không hạ, vì vậy uống nhiều thuốc paracetamol hoặc khoảng cách giữa các liều quá ngắn. Việc này gây ảnh hưởng tới gan, cộng với đặc thù bệnh sốt xuất huyết khiến cho men gan cao sẵn, khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Liều lượng paracetamol đúng là 10-15 mg cho một kg thể trọng. Mỗi liều cách nhau từ 4-6 tiếng, có thể chườm ấm, dùng các biện pháp vật lý để hạ nhiệt độ cơ thể trong thời gian chờ uống liều thuốc tiếp theo.
Lê Nga – Chi Lê
* Tên nhân vật được thay đổi