Bao lâu nên thay đũa?
Mỗi khi cọ rửa, trên bề mặt đũa sẽ có vết nứt, tích tụ cặn thức ăn và vết dầu mỡ. Nếu không được làm khô ngay sau khi rửa, nước đọng sẽ thành nơi sản sinh của vi khuẩn.
Dù ngâm đũa trong nước sôi có thể loại bỏ vi khuẩn, nhưng đũa cũ khiến vi sinh vật dễ sinh sôi trở lại, gây hàng loạt bệnh, làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hóa.
Đũa tre và gỗ khi tiếp xúc với nước dễ bị nấm mốc, nhất là khi không được vệ sinh sạch sẽ. Loại đũa này nên được thay sau 3-6 tháng sử dụng. Đũa sử dụng trên 6 tháng có thể sinh độc tố aflatoxin, một loại độc tố vi nấm gây ngộ độc cấp tính và là nguyên nhân gây xơ gan, ung thư gan.
Đũa inox sạch sẽ và an toàn hơn, nhưng cần lưu ý khi chọn mua. Một số nhà sản xuất sử dụng vật liệu kém chất lượng để tăng lợi nhuận, gây hại cho cơ thể.
Đũa sứ hiện được nhiều gia đình lựa chọn vì an toàn hơn hai loại trên, có thể dùng trong nhiều thập kỷ.

Ảnh minh họa: Cẩm Anh
Khi nào phải thay đũa ngay?
Màu sắc thay đổi: Khảo sát cho thấy đũa thông thường được sử dụng trong 3-6 tháng màu sắc sẽ đậm hoặc nhạt dần. Ngoài ra, lớp bên ngoài bị mài mòn do tần suất sử dụng. Chỉ cần đũa thay đổi lớn so với lúc mới mua, đặc biệt về màu sắc phải thay ngay.
Đũa thay đổi màu sắc đồng nghĩa bản chất vật liệu thay đổi. Các yếu tố gây đổi màu thường là do thực phẩm bám dính, chất tẩy rửa, không khí và các chất cặn bã trong quá trình sử dụng. Sự tích tụ lâu dài của vi khuẩn cũng là yếu tố chính dẫn đến thay đổi màu sắc.
Đũa có đốm: Khi dùng đũa, nên quan sát hàng ngày xem bề mặt đũa có vết đốm, mốc hay không. Các sản phẩm từ tre và từ gỗ là môi trường ưa thích của nấm mốc. Chỉ cần môi trường không khô ráo và độ ẩm của vật liệu đạt đến mức độ nhất định là nấm mốc sẽ hình thành.
Nếu đũa ẩm, cong vênh, biến dạng, chứng tỏ đã bị mục do để quá lâu. Thử ngửi, nếu có mùi chua rõ rệt thì đó là dấu hiệu của nhiễm khuẩn hoặc hết hạn sử dụng.
Những lưu ý khi dùng đũa
Không cắn đũa khi ăn: Nếu đầu đũa bị cắn, các rãnh trên bề mặt sẽ bị dính rất nhiều vụn thức ăn, dầu mỡ và các chất bẩn khác. Không được làm sạch, chúng sẽ sinh ra vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm dạ dày ruột.
Không chiên thức ăn bằng đũa tre. Đũa tre và gỗ sau khi chiên sẽ bị cacbon hóa, chuyển sang màu đen, độ cứng kém đi.
Tránh các dung dịch tẩy rửa có tính axit và kiềm. Khi làm sạch đũa, không sử dụng các dung dịch tẩy rửa có tính kiềm hoặc axit như baking soda và axit xitric, để không làm hỏng bề mặt đũa và làm bong lớp sơn chống thấm bên ngoài.
Cách vệ sinh đũa
Nên vệ sinh theo phương pháp sau, hai tuần một lần:
Ngâm đũa trong nước rửa chén vài phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước mạnh. Cho đũa vào tủ khử trùng sấy khô hoặc ngâm trong nước sôi 10 phút, vớt ra để ráo nước.
Rửa sạch ống đựng bảo quản, lau khô đũa, cho vào ống, để nơi thoáng gió.
Lưu ý: Đũa tre nên cẩn thận cạo sạch gai nhỏ, nếu có mùi lạ có thể ngâm trong giấm nửa giờ hoặc đun trong nước trà nửa giờ.
Nhật Minh (Theo xinhuanet/163.com)